Chùa Di Đà (Đăng Đừng) Lâm Đồng.
Về VN lần nầy, tôi có dịp đi thăm những cơ sở từ thiện nuôi trẻ em khuyết tật và một số chùa nuôi trẻ mồ côi. Đi cũng khá nhiều trung tâm nhưng mà nơi để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp nhất có thể nói là chùa Đăng Đừng (tên gọi theo người dân bản xứ địa phương). Chùa Đăng Đừng được cất lên trong một vùng núi cao nguyên thuộc tỉnh Lâm Đồng. Từ thành phố SaiGon xe chạy hướng về quốc lộ 20, chúng ta sẽ dừng tại thị xã Bảo Lộc. Đoạn đường nầy dài 190 cây số. Từ Bảo Lộc vô Đăng Đừng phải đi thêm 40 cây số nữa, tại đây chúng ta có thể đi bằng xe gắn máy, taxi hay xe hợp đồng để vào chùa.
 Đồng bào thiểu số, sắc tộc Châu-Ma.
Vì là miền núi nên tốc độ xe chạy không nhanh, đây cũng là cơ hội tốt để được ngắm nhìn cảnh đẹp hai bên đường. Ba mươi cây số đầu, đường tráng nhựa mỗi bên chỉ một len, rồi từ đường lớn, chúng ta sẽ đi khoảng 10 cây số nữa mới vào tới nơi, đoạn đường nầy bằng đất đỏ, xe chạy bị lởm chởm ngồ nghề. Cũng may hôm chúng tôi đi trời nắng, nếu mưa sẽ là sình lầy trơn trợt lắm. Lúc chúng tôi đến nơi, thầy tru trì còn đang trên đường từ Đà Lạt chạy về, trong chùa chỉ còn lại mấy chú tiểu. Những khi Thầy có việc cần đi xa, mọi sinh hoạt trong chùa vẫn nhịp nhàng bình thường, chú lớn chăm sóc cho chú nhỏ, các chú được chia ra từng tổ nhỏ, tổ phụ trách nấu cơm, tổ lo rửa dọn, tổ đến giờ thì lên chánh điện tụng kinh. Chùa được xây dựng đơn giản, nhỏ, gọn gàng nhưng rất sạch sẽ ngăn nắp, khang trang. Quả là một sự tình cờ ngẩu nhiên đầy thú vị, chúng tôi được đến thăm miền rừng núi Đăng Đừng, nơi sinh sống của người dân bản xứ, sắc tộc Châu-Ma. Thầy Đồng Châu trụ trì chùa là một vị tăng trẻ mới khoảng ngoài 30, nhìn thầy rất giản dị trong bộ đồ nâu của người tu sĩ. Ban đầu Thầy chỉ định đến đây để xây một giếng nước ngọt cho đồng bào nơi đây. Khi công trình xây xong, nhìn những người dân miền núi không biết nói tiếng Việt hoặc chỉ biết lơ mơ mà phải sống trong cảnh nghèo khổ, nhất là những trẻ mồ côi hay cha mẹ vì quá nghèo không đủ điều kiện để tự nuôi sống bản thân. Do đó với tấm lòng từ bi, thầy Đồng Châu đã phát nguyện ở lại đây lập ngôi chùa nhỏ nầy để nuôi các cháu cũng như đem tình thương đạo đức đến chia xẻ cùng người dân xứ nầy. Thầy là người Việt duy nhất ở đây, hằng ngày Thầy phải dạy thêm tiếng Việt cho các chú, dạy các chú học kinh điển, song song đó, thỉnh thoảng Thầy phải đi vận động thêm để có đủ tài chánh nuôi các chú. Được sự giúp đở của dân địc phương, thầy trò chùa Đăng Đừng đã cùng nhau trồng những luống rau xanh để cải thiện cho các bửa ăn hàng ngày, ngoài kia những đồi trà xanh bát ngát chưa tới tuổi thâu hoạch, những cây cà phê đợi mùa ra hoa, cây ăn trái cũng khá nhiều nhưng tất cả phải chờ thêm khoảng thời gian nữa mới cung cấp được tài chính cho chùa. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Thầy cũng đã quyết định nhận nuôi 30 em với độ tuổi từ 7 đến 15 tuồi. Hiện Chùa đã gửi: * 04 em đi học văn hóa lớp 6 tu viện An Lạc, Thị xã Bảo Lộc; * 02 em đi học lớp 10 tại thị xã Bảo lộc; * 01 chú sadi đang tham dự lớp Phật học tại Đà lạt. * Những em còn lại được cho đi học tại các trường phổ thông tại địa phương. Lẽ ra chúng tôi chỉ định nghé thăm chùa một chút nhưng vì quá ngưỡng mộ và mê say khi nghe Thầy kể những hoạt động của chùa nên chúng tôi ở lại tới xế chiều mới chào Thầy và các chú ra về. Trước khi đi chúng tôi đã thay mặt cho tất cả các anh chị em hội viên của hội từ thiện Vovicare tại Úc tặng chùa Đăng Đừng 100 Úc kim. Thầy rất cảm kích và ngõ lời cám ơn đến tất cả các hội viên đã cùng san sẻ và đem tình thương yêu đến với mọi người. Mặc dầu ngày nay thầy trò chùa Đăng Đừng sống rất đạm bạc, nhưng với hạnh nguyện ước mơ đơn giản thật khó làm mà chứa chan đầy tình người của thầy, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và tin tưởng rồi đây trong vòng tay thương yêu dìu dắt của thầy, các chú bé và dân tộc thiểu số Đăng Đừng sẽ có được một cuộc sống ấm no, đầy đủ hạnh phúc, an lạc hơn. Cũng cầu nguyện cho hội Vovicare thêm tuổi thọ để tiếp tục đóng góp giúp đở chia sẻ về quê nhà, nơi mà họ chưa được may mắn như chúng mình ở đây.
Chiều xứ Thượng sương mờ bay lơ lững Tiếng thông reo thác đổ réo gọi mời Đây bến đỗ con đò tình xuôi ngược Ôm vào lòng những mầm cỏ xanh tươi Và rồi đây năm tháng sẽ ra đi Nhưng dân tộc Đăng Đừng luôn nhớ mãi Ngày mới sang trong ánh nắng huy hoàng Hình bóng Thầy mãi mãi sống ngàn năm.
Sydney, ngày 07 tháng 12 năm 2008 Liên Hồ. |